Phân tích tài chính doanh nghiệp là công việc có vai trò quan trọng để nhà đầu tư bao quát được tình hình tài chính trong kỳ kế toán của doanh nghiệp. Từ đó, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định và kế hoạch đầu tư hiệu quả hơn. Vậy phân tích tài chính doanh nghiệp là gì? Có những phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Phân tích tài chính doanh nghiệp là gì?
Phân tích tài chính doanh nghiệp hiểu ngắn gọn là việc xác định sức mạnh tài chính, điểm mạnh, điểm yếu về tài chính của doanh nghiệp. Quá trình xác định này thông qua việc thiết lập mối quan hệ giữa những chỉ tiêu trong các tài liệu gồm:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Báo cáo kết quả kinh doanh.
Phân tích tài chính doanh nghiệp có các tác dụng:
- Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp đang trong tình trạng như thế nào, ở giai đoạn tăng trưởng hay suy thoái?
- Đánh giá sức khỏe tài chính hiện tại của doanh nghiệp.
- Đưa ra dự báo tình hình tài chính doanh nghiệp trong tương lai dựa vào các chỉ số phân tích.
Tại sao cần phân tích tài chính doanh nghiệp?
Việc phân tích tài chính doanh nghiệp là vô cùng quan trọng bởi vì đây là việc mang nhiều ý nghĩa đối với từng đối tượng khác nhau. Cụ thể là:
- Đối với nhà đầu tư: Việc phân tích tình hình tài chính giúp nhà đầu tư đánh giá và nắm được hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó nắm được những lợi nhuận đi kèm rủi ro trên số vốn mình bỏ ra. Từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý và đúng đắn.
- Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp: Phân tích tài chính giúp đưa ra những thông tin cụ thể để hỗ trợ chủ doanh nghiệp quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Phân tích báo cáo tài chính giúp đánh giá hiệu quả của các hoạt động kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tính toán lợi nhuận, khả năng giải quyết rủi ro,… của doanh nghiệp. Ngoài ra còn giúp dự đoán tài chính của doanh nghiệp chính xác hơn.
- Đối với tổ chức tín dụng: Việc đọc và phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ giúp tổ chức tín dụng đánh giá được khả năng trả nợ của doanh nghiệp khi doanh nghiệp này có nhu cầu vay vốn. Từ đó giúp tổ chức tín dụng đưa ra quyết định có giải ngân cho doanh nghiệp vay vốn hay không.
Các chỉ tiêu khi phân tích tài chính doanh nghiệp
Các chi tiêu chính khi phân tích tài chính doanh nghiệp bao gồm:
Chỉ tiêu khả năng thanh toán
Khả năng thanh toán là chỉ tiêu được các nhà đầu tư, nhà cung ứng và chủ nợ doanh nghiệp quan tâm nhất. Thông qua chỉ tiêu khả năng thanh toán, các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ xác định được các khoản nợ tới hạn của mình, nguồn thanh toán đã chuẩn bị và khả năng chi trả.
Trong chỉ tiêu khả năng thanh toán có các hệ số như sau:
- H1 – hệ số thanh toán tổng quát: Hệ số này phản ánh mối quan hệ giữa tổng số tài sản mà doanh nghiệp quản lý với tổng số nợ doanh nghiệp đang chịu. H1 < 1 có nghĩa là vốn chủ sở hữu đang có tình trạng hao hụt, khó khăn và không có khả năng trả nợ. H1 > 1 có nghĩa là doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán nợ.
- H2 – hệ số thanh toán hiện thời: Hệ số H2 được tính bằng thương số của tổng tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Hệ số này phản ánh mức độ đảm bảo của tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
- H3 – khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp: Hệ số này được tính bằng thương giữa chỉ tiêu Tiền và các khoản tương đương tiền với Tổng nợ ngắn hạn.
- H4 – hệ số thanh toán lãi vay: Hệ số này thể hiện cho việc sử dụng số vốn mà doanh nghiệp đi vay như thế nào, đem lại lợi hay không, từ đó có đáp ứng khả năng trả lãi vay đúng thời hạn hay không.
Chỉ số hoạt động
Chỉ số hoạt động có được nhờ so sánh doanh thu từ kết quả bỏ vốn kinh doanh của doanh nghiệp dưới các loại tài sản khác nhau. Chỉ số này giúp đánh giá tổng quát hiệu quả sử dụng tài sản và vốn của doanh nghiệp. Chỉ số hoạt động bao gồm các yếu tố:
- Số vòng quay hàng tồn kho
- Kỳ thu tiền bình quân
- Vòng quay vốn lưu động
- Hiệu suất sử dụng vốn cố định
- Vòng quay tổng tài sản.
Chỉ tiêu khả năng sinh lời
Chỉ tiêu khả năng sinh lời là cơ sở quan trọng để đánh giá kết quả hoạt động trong 1 kỳ của doanh nghiệp. Các nhà quản trị rất quan tâm đến khả năng sinh lời vì chỉ tiêu này giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định đầu tư tài chính hiệu quả và đúng đắn hơn. Khả năng sinh lời thể hiện qua 3 hệ số:
- Tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu ROS
- Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản ROA
- Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng nguồn vốn chủ sở hữu ROE.
Các loại phân tích tài chính doanh nghiệp
Có 3 loại phân tích tài chính cơ bản được áp dụng phổ biến ở các doanh nghiệp đó là:
Phân tích tài chính doanh nghiệp theo chiều ngang và chiều dọc
Phân tích tài chính doanh nghiệp theo chiều ngang là so sánh dữ liệu kế toán giữa các kỳ. Còn phân tích tài chính doanh nghiệp theo chiều dọc là việc tập trung tính toán, phân tích các chỉ tiêu kế toán trong một năm nhất định.
Phân tích ngoại lực, nội lực
Sự khác nhau của 2 loại phân tích tài chính doanh nghiệp này là:
- Phân tích ngoại lực dựa trên cơ sở báo cáo tài chính được công bố công khai.
- Phân tích nội lực thì dựa vào hoạt động của bộ phận kế toán, bộ phận tài chính của doanh nghiệp.
Phân tích tài chính doanh nghiệp ngắn hạn
Một số yếu tố cần chú ý tập trung khi phân tích ngắn hạn là:
- Chỉ tiêu vốn lưu động
- Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp
- Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp
Những chỉ tiêu này sẽ giúp đánh giá và xác định khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần kết hợp quan sát ngắn hạn với phân tích tài chính dài hạn để có được kết quả phân tích chặt chẽ, chi tiết hơn. Đồng thời giúp doanh nghiệp đi sâu vào nghiên cứu các danh mục đầu tư, khả năng sinh lời trong tương lai cũng như tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
Các phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp
Có rất nhiều phương pháp được áp dụng để phân tích tài chính doanh nghiệp, có thể kể đến như:
- Phương pháp so sánh trong đó bao gồm so sánh theo thời gian, so sánh chéo theo thời điểm và phân tích kết hợp
- Phương pháp tỷ số
- Phương pháp phân tích tách đoạn nhờ ứng dụng mô hình dupont
- Phương pháp phân chia
- Phương pháp liên hệ đối chiếu
- Phương pháp phân tích nhân tố
Hướng dẫn phân tích tài chính doanh nghiệp
Để phân tích tài chính doanh nghiệp, cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Phân tích khả năng thanh toán. Các hệ số cần chú ý khi phân tích khả năng thanh toán là hệ số khả năng thanh toán hiện hành, hệ số khả năng thanh toán lãi vay, hệ số vòng quay các khoản phải thu và hệ số vòng quay hàng tồn kho
- Bước 2: Phân tích đòn bẩy tài chính trong báo cáo
- Bước 3: Phân tích khả năng sinh lời bằng cách xác định tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu ROS, tỷ suất lợi nhuận gộp (hay Biên lợi nhuận gộp), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản ROA, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu ROE và thu nhập một cổ phần thường EPS
- Bước 4: Phân tích dòng tiền bằng cách phân tích các yếu tố sau: Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh/Doanh thu thuần, tỷ suất dòng tiền tự do và xu hướng của dòng tiền.
Bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu phân tích tài chính doanh nghiệp để tìm hiểu chi tiết hơn như tài liệu phân tích tài chính doanh nghiệp 1, hướng dẫn phân tích tài chính doanh nghiệp,…
Trên đây là các thông tin về phân tích tài chính doanh nghiệp. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với Tài chính Visa Đăng Quang để được tư vấn và giải đáp nhé!